Cứ nhắc đến hệ cao đẳng hay trung cấp nghề, phần đông phụ huynh, học sinh vẫn mang tâm lý e dè vì cho rằng đó là bậc học thấp và học nghề là làm những công việc nặng nhọc, cơ bắp. Đó là quan niệm chưa đúng. Thực ra, mỗi cấp học, bậc học đều có yêu cầu riêng về tri thức, thời lượng thực hành và các chương trình có thể liên thông với nhau theo nhu cầu của người học.
Sinh viên Cao Đẳng Việt Mỹ trong một buổi kiến tập tại doanh nghiệp
Giải oan cho cao đẳng
Hiện nay, vẫn còn nhiều phụ huynh hiểu sai về nghề, học sinh thì càng ít biết sự khác biệt của trường nghề với các loại hình giáo dục khác.
Học nghề ở đây không phải là làm việc tay chân mà là học ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc cụ thể, không đi sâu vào các lý thuyết và nghiên cứu. Học nghề mang lại cho người học nhiều cơ hội việc làm vì thời gian học ngắn, thực hành nhiều nên kỹ năng ứng dụng cao. Trong khung trình độ quốc gia 8 bậc của Việt Nam thì cấp độ 1-5 gồm trình độ trung cấp, cao đẳng là cấp độ đào tạo nghề nghiệp, đại học là cấp độ 6, thạc sỹ là cấp độ 7 và tiến sỹ là cấp độ 8. Tất cả các cấp bậc, chương trình đều là một phần trong thang cấp độ giáo dục quốc gia (tương tự hệ thống giáo dục của Anh Quốc). Mỗi cấp bậc có yêu cầu riêng và hoàn toàn có thể liên thông với nhau theo nhu cầu của người học. Việc lựa chọn cấp học nào phải phù hợp mục tiêu của người học và các điều kiện cá nhân và hoàn toàn không phụ thuộc vào bằng cấp. Với thời lượng thực hành chiếm từ 60%-70% trong chương trình, mục tiêu của các chương trình đào tạo nghề sẽ giúp người học có đủ kiến thức, thời gian thực hành và đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp: kế toán, marketing, quản trị khách sạn – nhà hàng, quản trị lữ hành, quan hệ công chúng, biên phiên dịch,…
Xu hướng đào tạo mới: thực học thực hành để thích ứng với mọi hoàn cảnh
Theo thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây, trung bình hằng năm có đến hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp nhưng ở chiều ngược lại các công ty lại khó khăn trong việc tuyển dụng. Trong các cuộc họp tổng kết, những buổi chia sẻ về chất lượng nhân sự vẫn tựu trung vào những lý do không tìm được ứng viên tốt dù con số thất nghiệp rất lớn đó là: nhân viên không có kỹ năng sống, không hòa nhập được văn hóa, không thể làm được việc. Đi tìm lời giải cho bài toán này, người ta lại xoay sang câu hỏi: vậy mục đích giáo dục là gì?
Giáo dục giúp các “khách hàng” chuẩn bị tốt hơn cho tương lai của họ. Có những sản phẩm giáo dục được thiết kế ra để nhắm đến tương lai tức thời, ví dụ việc đào tạo nghề. Người học sau một thời gian ngắn có thể áp dụng những gì học được để có cuộc sống tốt hơn. Doanh nghiệp cần người đáp ứng được yêu cầu công việc, hòa nhập được văn hóa và quan trọng là chịu học, chịu được áp lực chứ không phải là lý thuyết suôn riêng rẽ và xa rời thực tế.
Sinh viên chuyên ngành quản trị khách sạn nhà hàng trong chuyến thực tập
Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, 10 năm trở lại đây, các trường cao đẳng thực hành theo xu hướng giáo dục quốc tế đã ít nhiều cung cấp cho thị trường một lượng nhân sự được trang bị kỹ năng sống đầy đủ và thạo chuyên môn. Theo đó, mục tiêu chính của các loại hình giáo dục này hướng đến cung cấp kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp theo nguyên lý thực học, thực hành. Thời gian thực hành lên đến 60 – 70% thời gian học, giảng dạy dựa trên các dự án thực tế và cập nhật nhanh chóng những yêu cầu, thay đổi từ doanh nghiệp để giúp cho sinh viên tiến gần đến doanh nghiệp và “chịu được nhiệt” khi bắt đầu con đường lập thân lập nghiệp.
Tại Cao Đẳng Việt Mỹ, ngay từ năm nhất, sinh viên đã được thực tập tại doanh nghiệp, được chú trọng rèn luyện kỹ năng và phong cách làm việc. Cùng với đó, công tác tư vấn hướng nghiệp được thực hiện xuyên suốt trong quá trình học tập giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bản thân, tự tin với lựa chọn về ngành học và nghề nghiệp sau này. Bên cạnh đó, sinh viên còn được học thông qua những buổi giao lưu chia sẻ cùng các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực. Nhà trường triển khai các phương pháp đào tạo hiện đại giúp sinh viên từng bước tiếp cận, giải quyết vấn đề, tự tin làm được những công việc mà doanh nghiệp cần.
Chia sẻ về định hướng đào tạo của nhà trường, thầy Dương Trần Minh Đoàn – Phó hiệu trưởng Cao Đẳng Việt Mỹ cho biết “Chúng ta không sử dụng sản phẩm kém chất lượng và doanh nghiệp cũng thế, họ không trả lương để sử dụng lao động kém chuyên môn. Để thành thạo thì cần thực hành nhiều. Với bậc học cao đẳng, các em sẽ có nhiều cơ hội làm điều này. Các em không chỉ được trau dồi về tri thức, rèn luyện về chuyên môn mà còn tích lũy các kỹ năng sống để tự tin ứng biến với sự bất định trong thời đại công nghệ số hiện nay. Chúng tôi vui mừng khi nhìn thấy sinh viên trưởng thành từng ngày và hạnh phúc khi các em chia sẻ về thành công trong cuộc sống…”
Theo báo Giáo Dục