Kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21 đang trở thành một trong những tiêu chí quan trọng nhất đối với việc tuyển dụng cũng như thành công của một cá nhân trong thời đại hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết của việc phát triển các kỹ năng này cho sinh viên, APC đã đầu tư mạnh vào công tác giảng dạy các kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21 ngay từ những năm học đầu tiên.
Kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21 là gì?
Trong những năm gần đây, cụm từ “kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21” được nhắc đến rất nhiều trên truyền thông trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, tuyển dụng lao động. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ cụ thể các kỹ năng này là gì. Theo như định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc), kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm kỹ năng mềm (soft skills) chính.
- Thứ nhất là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
- Thứ hai là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
- Thứ ba là nhóm kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc như sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
- Cuối cùng là kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, trách nhiệm cá nhân và xã hội, bao gồm cả vấn đề hiểu biết tính đa dạng văn hóa.
Quy luật 15/85
Thực tế cho thấy phần lớn những cá nhân thành đạt hiện nay đều là những người có các kỹ năng mềm rất vững chắc. Theo như một nghiên cứu từ các chuyên gia thì 85% thành công của một người là nhờ vào các kỹ năng mềm, chỉ 15% còn lại đến từ các kỹ năng chuyên môn (hard skills).
Nguyên nhân lý giải cho tầm quan trọng của các kỹ năng mềm trong sự thành công của một cá nhân chính là ở khả năng làm việc tốt trong môi trường thế kỷ 21 mà các kỹ năng này mang lại. Ví dụ như ngày nay máy móc đã giúp con người giải quyết hầu như tất cả các công việc có thể quy trình hóa một cách tuyến tính, lúc này phần việc chính mà con người cần giải quyết sẽ tập trung vào khả năng phản biện vấn đề, tính sáng tạo vốn là những việc mà máy móc không thể làm được.
Do đó các nhà tuyển dụng hiện nay đều chú trọng nhiều hơn vào các kỹ năng mềm của ứng viên thay vì chỉ nhìn vào điểm số và bằng cấp. “Các kỹ năng chuyên môn giúp bạn làm tốt trong môi trường học thuật và các cuộc phỏng vấn nhưng chính các kỹ năng mềm mới đem lại cho bạn một công việc”, chuyên gia Debbie Hance từ Hiệp hội các nhà Tâm lý học Anh (Association of British Psychologists) cho hay.
Chương trình kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21 tại APC
Nắm bắt được tầm quan trọng của các kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21 đối với sự phát triển toàn diện của sinh viên, APC đã nghiên cứu và phát triển chương trình giảng dạy các kỹ năng mềm cho sinh viên nhằm giúp các bạn có thể học hỏi và rèn luyện các kỹ năng này từ những năm học đầu tiên, giúp sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng cho việc cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm.
Chương trình giảng dạy kỹ năng mềm tại APC chú trọng nhiều vào tính thực tế và cơ hội thực hành cho sinh viên với mục tiêu biến kỹ năng mềm thành thói quen và “phản xạ có điều kiện”. Chính những phản xạ có điều kiện này lâu dài sẽ tạo thành tác phong lao động, làm việc, làm nên một người lao động chuyên nghiệp và hiệu quả dù trong bất cứ lĩnh vực, công việc nào.
Nhằm đem lại cho sinh viên những trải nghiệm và kiến thức thực tế nhất, đội ngũ giảng viên dạy kỹ năng mềm tại APC sẽ bao gồm những vị chuyên gia hàng đầu đến từ nhiều lĩnh vực như tâm lý học, kinh tế, tài chính, nhân sự…với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Đặc biệt, thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nhà tư vấn tâm lý uy tín và nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay với kinh nghiệm tư vấn và hướng nghiệp cho hơn 100 trường trung học, hơn 30 trường đại học, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác cũng tham gia phát triển chương trình giảng dạy kỹ năng thế kỷ 21 tại APC.