Có hơn 10 năm lăn lộn với nghề báo trước khi quyết định khởi nghiệp ngành truyền thông, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch công ty NBN Media mang đến cho độc giả BizLIVE một cái nhìn rất mới về ngành vốn vẫn được coi là nhiều tiềm năng này.
Ông Nguyễn Bá Ngọc: “Ngành truyền thông đầy thử thách nhưng luôn làm người ta đam mê”
05
09
Trước khi khởi nghiệp trong ngành truyền thông, anh đã có kinh nghiệm gì liên quan đến ngành này chưa, thưa anh?
Tôi có 10 năm lăn lộn và làm được nhiều việc có ý nghĩa trong nghề báo trước khi rẽ sang làm doanh nhân từ năm 2000 đến nay.
Các môi trường báo chí tôi đã trải qua như Tuổi trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp thị… đều cho tôi những trải nghiệm khó quên; nhất là báo Tuổi trẻ; ngày nào cũng như một cuộc đua.
Tôi khởi nghiệp năm 2000, khi tôi 30 tuổi. Từ khi làm việc trong lĩnh vực truyền thông, chúng tôi đã qua nhiều thăng trầm nhưng mừng nhất là đứa con của mình – NBN Media – đã trưởng thành rất nhiều và có được các đối tác lớn công nhận. NBN Media hiện cung cấp các dịch vụ marketing truyền thông tích hợp, digital marketing, PR, content marketing… trải rộng nhiều lĩnh vực như viễn thông, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thực phẩm và đồ uống (F&B), dược, mỹ phẩm, y khoa, điện tử, ngân hàng… Song trong một số lĩnh vực, nhất là marketing cho ngành dược, NBN Media được biết đến như một trong những công ty hàng đầu. Hiện chúng tôi là đối tác marketing truyền thông cho hầu hết các hãng dược lớn trên thế giới.
Vì sao anh lại quyết định khởi nghiệp trong ngành truyền thông?
Khi đó tôi đã trải qua 10 năm làm báo chuyên nghiệp. Thời ấy chúng tôi làm báo in và cơ chế là cơ quan nhà nước nên mọi chuyển động đều rất chậm chạp và ít sáng tạo. Tôi thì không quen vậy nên đứng ngồi không yên và quyết định khởi nghiệp.
Khi khởi nghiệp, lập ra NBN Communications rồi NBN Media cũng làm ngành mà mình vẫn đam mê nhất và có thế mạnh nhất lúc đó là marketing truyền thông… Ngành marketing truyền thông không đòi hỏi nhiều vốn để bắt đầu và đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo – thứ mà chúng tôi luôn dồi dào…
Khi mới khởi nghiệp, anh gặp những khó khăn gì?
Khó khăn nhiều lắm, cỡ vài chục lần so với những gì mình đã dự tính ấy. Từ nghiệp vụ bởi thời đó đâu có sách, có Internet phổ biến như giờ… Mà các khách hàng đầu tiên của chúng tôi có rất nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia như MobiFone, LG, Honda… đều đòi hỏi dịch vụ tốt và chuẩn quốc tế nên phải vừa làm vừa học dữ lắm. Học bằng rất nhiều con đường khác nhau và thử nghiệm chúng bằng công việc nên nhiều khi cũng bị trả giá khá đắt đó.
Tới nay, khách hàng của chúng tôi chủ yếu các tập đoàn đa quốc gia nên càng phải chuẩn hoá hơn trước.
Cho đến các lĩnh vực sống còn trong một công ty như quản trị công ty, nhân sự, tài chính, phát triển khách hàng… Tất tật các thứ này khi mới bắt đầu tôi đều chưa rành hoặc thậm chí không biết gì nên phải học và lăn vào làm trước.
Làm sao để anh có thể vượt qua những trở ngại đó?
Phải học thôi, học nữa, học mãi mà.
Thêm điều quan trọng nữa là chúng tôi không ngừng cập nhật để giữ được vị trí hàng đầu trong một ngành khó khăn và đầy biến động như ngành này.
Đâu là những bài học đắt giá mà anh đã có được từ cuộc đời của một doanh nhân?
Bài học đắt giá thì khá nhiều. Bài học liên quan đến nghề này là sáng tạo là dòng chảy quý giá nhất trong nghề nên bằng mọi cách anh phải khơi được nguồn và nuôi dưỡng sự sáng tạo trong công ty.
Bài học thứ hai nghe rất sáo chính là chuyện con người mới là vốn quý nhất của một công ty trong ngành này. Có nhiều ngành cái máy là quý nhất, con người chỉ đứng bên lề coi máy có trục trặc gì không thôi còn sản phẩm máy làm từ A đến Z. Còn ngành này không có người tốt coi như thất bại. Chính vì vậy ở NBN Media chúng tôi coi trọng việc tuyển dụng và tạo điều kiện cho mỗi người phát triển dựa trên thế mạnh của họ. Chúng tôi không xem trọng bằng cấp mà xem trọng tư chất và thiên hướng của mỗi người.
Và marketing truyền thông là ngành luôn theo chuẩn quốc tế nên nếu công ty anh không theo chuẩn, không cập nhật được thường xuyên thì anh sẽ lập tức bị đào thải…
Có bao giờ anh nghĩ đến thiệt thòi lớn nhất của công ty anh là gì chưa?
À, có chứ, thiệt lớn nhất của chúng tôi cũng như đa số các công ty trong ngành marketing truyền thông là cùng đối tác sáng tạo và thực thi các chiến dịch hay, thậm chí lừng lẫy song do cam kết bảo mật nên hầu hết chúng tôi không được biết đến. Lâu dần cũng quen rồi nên không thấy đó là buồn nữa…
Điều anh thấy đáng tiếc nhất khi anh làm việc trong ngành là gì?
Có lẽ là việc các công ty Việt Nam chưa coi marketing là một khoản đầu tư nghiêm túc mà trong thâm tâm vẫn coi là chi phí nên thường không đầu tư đủ mức và trong cách chi tiêu thường tiết giảm tối đa. Hậu quả có thể thấy là thương hiệu Việt khá yếu và xét lâu dài không có sức mạnh cạnh tranh trên thương trường. Công ty Việt Nam thường thích xây dựng bộ máy để tự làm lấy mọi thứ; trong khi công ty nước ngoài cùng ngành có cùng mức đầu tư marketing lại thường xây dựng bộ máy theo kiểu đi thuê ngoài và kết quả của họ luôn cao hơn rất nhiều.
Anh vừa nhắc đến sáng tạo như là vốn quý nhất của một công ty trong ngành quảng cáo, marketing, truyền thông. Vậy công ty anh đã làm gì để có được sự sáng tạo đó?
Việc đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là chúng tôi cần tìm và chọn được đúng những người có tố chất phù hợp và năng lực sáng tạo. Tiếp theo chúng tôi cần tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó các sáng tạo có thể được nảy nở và phát huy. Còn về phương pháp làm việc cũng cần phải có cách “teamwork” phù hợp để vừa có kết quả tốt nhất mà vừa nuôi dưỡng được sự sáng tạo đó qua năm tháng…
Anh có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ có ý định khởi nghiệp? Nhất là đối với các bạn có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông? Đâu là yếu tố cần và đủ để khởi nghiệp?
Câu chuyện khởi nghiệp rất dài và thú vị. Xin gác lại trong một dịp khác. Còn lời khuyên với các bạn có ý định khởi nghiệp trong ngành marketing truyền thông là 90% tôi khuyên không nên. Lý do đầu tiên là dư địa cho các công ty Việt Nam trong ngành này không nhiều nên các bạn sẽ rất khó khăn.
Lý do thứ hai là ngành này phụ thuộc rất lớn vào nhân lực mà nhân lực của ngành hiện thiếu trầm trọng và “tuổi thọ nghề nghiệp” thường chỉ từ 20 đến 40 tuổi. Như NBN Media có rất nhiều chương trình đan chéo nhau mới đảm bảo có được lượng nhân lực cần thiết đảm bảo chất lượng công việc ở mức cao.
Và vấn đề lớn thứ ba là khi bạn thành công thì khả năng để nhân lên về mặt quy mô của công ty là rất khó khăn – không như các ngành sản xuất sẽ khá dễ dàng nhân lên hàng chục, hàng trăm lần… hay các ngành công nghệ có thể nhân lên hàng ngàn, hàng chục ngàn lần. Bạn chỉ có một cuộc đời, cứ xóa đi làm lại hoài đâu có được…
Tại sao cơ hội của các bạn khởi nghiệp trong ngành này lại ít và khó?
Từ xưa đến nay, chi cho các hoạt động trong ngành marketing truyền thông chủ yếu là các tập đoàn lớn, đa quốc gia nổi tiếng. Các tập đoàn này thường ký hợp đồng toàn cầu với các công ty truyền thông lớn cỡ toàn cầu. Theo các hợp đồng đó, các công ty con của họ dù ở nước nào cũng sẽ có nhà thầu chính về truyền thông là chi nhánh của công ty truyền thông kia.
Các công ty truyền thông toàn cầu này chiếm khoảng 70-80% thị phần nên cơ hội cho các công ty nội địa chỉ còn 20-30% mà thôi và đương nhiên cạnh tranh rất dữ dội. NBN Media có được nhiều hợp đồng trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều và đấu sòng phẳng với các công ty khác cùng ngành qua một thời gian dài.
Nói như vậy theo anh là hết sao? Và cơ hội của mọi người trong ngành này và nhìn rộng ra của Việt Nam trong ngành này là như thế nào?
Cơ hội của công ty như NBN Media chúng tôi đến từ mấy phía như này: (1) Ký trực tiếp với các tập đoàn đa quốc gia – thông qua đấu thầu thường xuyên – khá căng thẳng (2) Làm thầu phụ cho chính các công ty quảng cáo, truyền thông nước ngoài (3) Làm cho các tập đoàn lớn của VN có cách làm việc nghiêm túc và bài bản.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra, ngoài cơ hội như vậy chúng ta còn đang có một cơ hội lớn ẩn giấu chưa khai thác được thật tốt, đó là trở thành một trung tâm gia công, sản xuất các sản phẩm marketing, truyền thông, quảng cáo… lớn cho cả thế giới. Nói như vậy bởi chúng ta có lượng nhân lực công nghệ khá lớn, anh em nhiều tiềm năng, khát khao thành công, chịu khó làm việc… nói chung tập hợp nhiều nhân tố mà các nước khác không có và giá thành thì khá dễ chịu.
Đi trước chúng ta, Thái Lan đã thành trung tâm của cả khu vực về sản xuất phim quảng cáo nên chúng ta hoàn toàn có quyền mơ ước về điều này.
Hiện nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đã làm thành công việc này ở Việt Nam nên chúng ta càng có quyền hy vọng hơn. Đó cũng chính là cơ hội vàng cho các bạn muốn khởi nghiệp trong ngành marketing, truyền thông.
Cuối cùng, tôi xin gửi một lời khuyên đến các bạn muốn khởi nghiệp ngành truyền thông, đó là hãy luôn giữ ngọn lửa đam mê trong mình. Vì sao đam mê? Bởi mỗi chiến dịch lại đòi hỏi sáng tạo và có sức lan toả rộng rãi. Hãy nghĩ coi nếu thông điệp của bạn và đồng đội lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng còn gì hãnh diện hơn, còn gì vui hơn!
Xin cám ơn những chia sẻ của anh và chúc anh thành công!
Theo Trần Thúy