Làm thế nào tôi có thể trở thành một phiên dịch viên chuyên nghiệp ? Làm thế nào để tôi tự tin hơn vào kỹ năng phiên dịch , dịch thuật của mình ? Để trở thành phiên dịch viên tôi cần những gì ? Phải trang bị những gì ngoài kiến thức ngôn ngữ ?
Những tố chất cần thiết để thành công với nghề Phiên dịch
29
12
Kiên trì và chăm chỉ
Với nghề nghiệp nào cũng vậy, kể cả bạn muốn trở thành một nhà kinh doanh giỏi, một biên dịch viên chuyên nghiệp, hay một dịch giả …, bạn không thể thành công nếu thiếu đi sự kiên trì và đức tính chăm chỉ. Phiên dịch lại càng không phải là một công việc dễ dàng. Bạn cần kiên trì học tập và luôn tìm tòi, học hỏi để nâng cao nghiệp vụ.
Nhiều khi để có một bản dịch tốt, bạn phải tham khảo rất nhiều từ điển, tư liệu, thậm chí phải bứt tóc mới tìm ra được một cách dịch đúng, phù hợp.
Người bạn quý và đáng tin cậy của những người phiên dịch là các quyển từ điển. Bạn nên sớm có trong tay những cuốn từ điển uy tín mới xuất bản để cập nhật được các từ ngữ mới nhất.
Trí nhớ tốt, khả năng diễn đạt lưu loát, gọn ghẽ
Học ngoại ngữ là bạn học thêm một kho từ vựng, cấu trúc ngữ pháp v.v… khổng lồ. Trí nhớ tốt giúp bạn lưu giữ kho tàng ấy.
Trong dịch thuật dù là dịch viết hay dịch nói, khả năng diễn đạt cũng là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định đến thành công của bạn. Chẳng ai có thể chấp nhận một phiên dịch viên, dù kiến thức về ngôn ngữ uyên thâm đến đâu, lại nói mãi chẳng thành câu hay diễn đạt dài dòng, lộn xộn.
Biết tổ chức công việc
Để trở thành phiên dịch viên giỏi, bạn cần biết tổ chức công việc và trau dồi khả năng của mình một cách khoa học. Bạn nên ghi chép đều đặn các từ mới và cách dùng chúng theo một trật tự nhất định. Với những cuốn “cẩm nang” của chính mình, bạn có thể lưu giữ được kiến thức cần thiết để tham khảo và sử dụng lại một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Nhanh nhẹn, năng động, tự tin
Những phẩm chất này sẽ là điểm cộng cho bạn nếu muốn trở thành một phiên dịch viên thực thụ. Bạn thử nghĩ xem, người phiên dịch thường phải đứng trước một đám đông với bao nhiêu người đang chờ nghe bạn nói. Nếu không tự tin, bạn sẽ trở nên lúng túng, mất tập trung và truyền đạt không chính xác. Còn nếu bạn nhanh nhẹn, năng động, bạn sẽ xoay xở rất nhanh để thoát hiểm trong những tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.
Chẳng hạn như nếu gặp một từ ngữ khó, bạn chưa thấy bao giờ, mà đó lại là từ khóa mang ý nghĩa chính của toàn câu thì bạn phải làm thế nào? Lúc ấy chỉ sự nhạy bén, nắm bắt được vấn đề mới giúp bạn hiểu được người nói cần truyền đạt điều gì.