“Hái quả” từ đầu tư giáo dục không dễ

15

04

(DĐDN) – Với một nền kinh tế đã bước qua thu nhập thấp vào ngưỡng trung bình, có cơ cấu dân số đủ năng lực và thu nhập lao động để chi trả cho giáo dục của con em…, sự nghiệp trồng cây, trồng người của các nhà đầu tư giáo dục tưởng như hứa hẹn sẽ có nhiều quả vàng chín mọng. Nhưng…

hai-qua-tu-dau-tu-giao-duc-khong-deCác thương hiệu lớn đã chạy đua đầu tư và chiếm lĩnh, chốt cứ dày đặc ở những vị trí trung tâm thuộc các khu vực đại đô thị
(ảnh: một buổi học tại Học viện giáo dục Hoa Kỳ)

Một trong những dự án đầu tư ngoại ngữ sớm vào giáo dục tại VN với 100% vốn nước ngoài là Viện ngôn ngữ Quốc tế ILA-Phân viện VN. Có mặt từ năm 2000 và chính thức hoạt động năm 2001, sau gần 15 năm, hiện ILA đã có 13 trung tâm trên cả nước và số học viên theo học năm 2013 là 35.000 người.

Miếng bánh ngày càng hẹp

Năm 2008, Phân viện ILA VN đổi loại hình hoạt động thành Cty TNHH ILA Việt Nam. Năm 2013, với nguồn lực đầu tư mới, ILA TNHH xúc tiến công bố kế hoạch mở tiếp 15 trung tâm mới trên cả nước và trị giá đầu tư cho kế hoạch này khoảng 8-10 triệu USD, đồng thời tuyên bố chi thêm 2-3 triệu USD cho chuỗi 3 hoạt động lớn nhằm hướng đến việc tạo ra một môi trường giáo dục ngoại ngữ chuyên nghiệp.

Theo hồ sơ Tín nhiệm của Viện DN VN xếp hạng năng lực ILA năm 2012, vốn điều lệ ILA thuộc nhóm A3 (100.000-500.000 USD); doanh thu thuộc nhóm B1 (trên 1000.000 USD/ năm) và nhân lực thuộc nhóm C2 (500-1000 người).

Cùng với ILA, VUS (Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ), British Council (Hội đồng Anh) VATC (Hệ thống Anh văn Việt Mỹ) đều là những tên tuổi “đầu ngành” trong đầu tư phân khúc cung cấp dịch vụ đào tạo Anh ngữ, tổ chức thi chứng chỉ Anh ngữ và dịch vụ tư vấn du học, về sau một số tổ chức còn “kiêm” thêm liên kết đào tạo quốc tế.

Ngoài ra, hàng loạt DN trong và ngoài nước cũng đang tiếp tục đầu tư mở các hệ thống trung tâm như: Không Gian, SEAMEO, Cleverlearn, Apollo, Elite, Iwep ( Âu Mỹ), Á Âu, Đông Âu, Anpha, Dương Minh, WallStreet, Leecam, Outerspace, Premier, London School… Trong khi phân khúc này miếng bánh ngày càng hẹp và các chủ đầu tư khó tìm cơ hội mới thì một phân khúc khác đã được mở cửa toàn phần từ năm 2009 theo cam kết WTO là giáo dục đại học, lại vắng bóng đầu tư.

Tín hiệu này cho thấy dường như các nhà đầu tư trong, ngoài nước đều đã xác định mục tiêu canh tác và hái quả trên mảnh đất giáo dục chuyên sâu tại VN không dễ bội thu.

Áp lực cạnh tranh

Theo đại diện nhóm các nhà đầu tư tổ chức thuộc Tổ chức Giáo dục Hoa Kì tại VN (Institute of American Education), hiện tại, có 4 yếu tố quan trọng chi phối giá trị của một thương hiệu giáo dục tại VN, là: 1, Cơ sở vật chất; 2, Bản thân thương hiệu (Brands); 3, Chất lượng; 4, Công nghệ.

Sự bùng nổ của đầu tư giáo dục khoảng 10 năm lại đây đã đưa đến kết quả phân hóa vị trí hạ tầng. Theo đó, các thương hiệu lớn đã chạy đua đầu tư và chiếm lĩnh, chốt cứ dày đặc ở những vị trí trung tâm thuộc các khu vực đại đô thị. Các thương hiệu mới, đi sau rất khó cạnh tranh lại. Thậm chí có người ví chạy đua mặt bằng bán lẻ, có lẽ lĩnh vực giáo dục chỉ về sau các thương hiệu fast food đang cuồng nhiệt đổ bộ vào Việt Nam. Về chất lượng, dựa trên cốt lõi nhân sự giáo viên, thực tế cho thấy chất lượng giảng dạy và trình độ nhân sự, chương trình giảng dạy (xét trên mặt bằng một chương trình giáo dục cụ thể như ngoại ngữ Anh ngữ) của các thương hiệu giáo dục lớn cơ bản tương đồng nhau (với mức lương giáo viên và trình độ, tiêu chuẩn tuyển dụng, chứng chỉ.. như nhau.). Do đó, để tạo sức bật, những thương hiệu tái đầu tư hoặc đầu tư mới, thường đẩy mạnh hơn nữa các yếu tố thương hiệu và công nghệ.

Đầu tư giáo dục phải được hiểu là đầu tư lâu dài, cam kết lâu dài, không thể ăn xổi ở thì vì thậm chí 10 năm sau chưa chắc đã lấy lại được hết vốn.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Lâm – Đại sứ của Tổ chức Tú tài Quốc tế tại VN cho biết nếu đầu tư giáo dục đúng nghĩa thậm chí 10 năm sau chưa chắc đã lấy lại được hết vốn. Ngoài những đòi hỏi đối với các nhà đầu tư như thủ tục, năng lực tài chính, cơ sở hạ tầng và các điều kiện ràng buộc đi kèm, gần đây nhất, chính sách về hạn chế tỷ lệ phần trăm con em bản địa theo học các trường Quốc tế 100% vốn ngoại tại VN, cũng là rào cản khiến nhà đầu tư “nhức đầu” trong cơ chế thu hút học sinh, học viên.

Nói riêng về phân khúc đầu tư cung cấp dịch vụ đào tạo nghề và kỹ năng mềm, một điều đáng lưu ý số cư dân có khả năng tài chính chi trả chi phí giáo dục đào tạo kỹ năng mềm cao cấp ở VN thường chỉ tập trung ở các đô thị lớn là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. các địa bàn này đắt đỏ mặt bằng, phí tuyển nhân sự, lương giáo viên cao, lại có nguy cơ bão hòa thị trường và bị ảnh hưởng thương hiệu vì… bát nháo chất lượng. Ngược lại, mức độ chi trả giáo dục ở nông thôn rất có hạn. Đó cũng là hạn chế với chính các nhà đầu tư.

Như vậy, ngay cả khi đã chọn tâm điểm các phân khúc có nhu cầu lớn, “dễ ăn” hơn các lĩnh vực chuyên môn sâu, thì việc trụ ở các đô thị lớn, tránh áp lực di dời ra khu vực ngoại đô để tiếp tục trồng cây đợi ngày hái quả…đối với các nhà đầu tư cũng đầy áp lực. Muốn tắt nhanh mà không phải vượt hàng loạt rào cản, cơ hội của các nhà đầu tư mới chính là mua lại, góp vốn vào những thương hiệu có giá trị và đã có cơ sở.

Cơ hội M&A

Sóng M&A trong đầu tư Giáo dục đang tăng kể từ giữa năm 2013 là nhận định của TS Trần Vinh Dự – Tổng giám đốc TNK Capital.

TS-Tran-Vinh-DuTiến sĩ Trần Vinh Dự

– Ông có thể cho biết về giá trị thương vụ mua lại 80% vốn chủ sở hữu tại IAE. Tại sao BlackHorse lại thoái bớt vốn?
BlackHorse hẳn có lý do riêng để thoái bớt một phần vốn tại Học viện Giáo dục Hoa Kỳ (IAE). Còn tại sao họ lại chọn chúng tôi làm đối tác tại IAE thì tôi nghĩ đó là vì chúng tôi là những người hội đủ các yếu tố để đưa tập đoàn này đi lên. Chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm giáo dục ở Việt Nam và đã thành công trong các dự án trước đây mà chúng tôi đầu tư như EQuest Education hay ISmart Education.

– Những giá trị gì ở IAE khiến các ông kì vọng?
IAE là một Cty giáo dục có bề dày ở VN với 3 mảng lớn là hệ thống Anh ngữ Việt Mỹ VATC, trường Cao đẳng Việt Mỹ, và phân hiệu quốc tế của Đại học Broward College (một đại học công lập uy tín tại bang Florida, Hoa Kỳ) tại thành phố HCM. Chúng tôi đánh giá cao giá trị của cả 3 mảng hoạt động này.

– Vậy theo Tiến sĩ, đầu tư giáo dục nói chung tới đây sẽ như thế nào?
Đầu tư mới (greenfield) vào giáo dục sẽ ngày càng khó. Lý do là các thủ tục và yêu cầu pháp lý hiện giờ đang khiến các nhà đầu tư mới rất đau đầu, nhất là các nhà đầu tư ngoại. Tôi nói thí dụ nếu đầu tư nước ngoài vào giáo dục phổ thông quốc tế ở VN bây giờ sẽ bị chịu mức trần tuyển học sinh trong nước (10%). Đầu tư vào cao đẳng hay đại học bây giờ cũng khó vì yêu cầu cao về cơ sở vật chất và vấn đề quy hoạch. Trường cao đẳng hay đại học phải có tối thiểu 5 ha đất, và phải nằm xa các khu trung tâm. Việc này khiến cho dù có tiền xây trường thì cũng khó tuyển sinh.

Tuy nhiên, xu hướng mua lại và sáp nhập trong giáo dục khả năng sẽ tiếp tục sôi động. M&A sẽ giúp các nhà đầu tư giảm bớt chi phí và thời gian. Theo đó, những trường nào đã có uy tín, có cơ sở, đặc biệt hiện diện ở các trung tâm lớn, có thể tạo ra các liên kết, các giá trị tăng thêm cho học sinh, học viên… sẽ là đích nhắm của các nhà đầu tư.

– Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Lê Mỹ

Link tham khảo tại đây: http://dddn.com.vn/thi-truong/hai-qua-tu-dau-tu-giao-duc-khong-de-20140410033040469.htm

Vui lòng để lại số điện thoại bên dưới để chúng tôi gọi lại tư vấn

Gửi bình luận