“Chỉ 10 năm hoặc 15 năm nữa đây, những sinh viên ấy sẽ là những nạn nhân của thời đại mới, khi họ phải mò mẵm dò đường bằng việc sử dụng những kiến thức đã rỉ sét”.
Nhằm đem lại cho sinh viên những trải nghiệm và kiến thức thực tế nhất, nhà trường đã mời thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nhà tư vấn tâm lý uy tín và nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay với kinh nghiệm tư vấn và hướng nghiệp cho hơn 100 trường trung học, hơn 30 trường đại học, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác đến và có một buổi Chia sẻ Hướng nghiệp cho các sinh viên của trường Cao đẳng Việt Mỹ (American Polytechnic College).
Bắt đầu buổi nói chuyện, thầy Hiếu đã cùng các bạn sinh viên chơi một trò chơi nhỏ tên gọi “Đếm số Chiến lược”. Ở trò chơi này, ai có thể đếm đến con số 33 đầu tiên thì người ấy sẽ thắng. Kết quả là đến người thứ tư mới “nhận diện” được mánh khoé của trò chơi. Từ đó, thầy Hiếu muốn các sinh viên ý thức đến việc Ghi nhận thông tin và Xử lý thông tin. Chỉ có những người nỗ lực chú ý, ghi chép, phân tích mới có thể đạt được thành công.
Tiếp theo, sinh viên lần lượt được biết “khi đi du lịch, mọi người cần mang theo gì?”. Lần lượt các sinh viên đưa ra câu trả lời “tiền, bản đồ, quần áo, bóp, thẻ ATM, dao v..v”. Nhưng câu trả lời đều chưa đúng. Vì chúng ta chưa biết địa điểm là gì thì làm sao có thể chuẩn bị dụng cụ thích hợp. Từ đấy rút ra một bài học: Phải biết quan sát vấn đề trước khi lao vào tìm giải pháp cho nó.
Cuối cùng là bài học “Tạo nên sự khác biệt để thành công”. Tại sao đồng thời là một trái dừa, nhưng dừa Sáp ở Cầu Kè, Vĩnh Long thì lại mắc hơn so với dừa Xiêm, hoặc tại sao trái dưa Vuông lại mắc hơn dưa thường. Câu trả lời rất đơn giản: Khác biệt! Trong một thế giới phẳng, những người thành công là những người phải nêu bật được lên cá tính của bản thân, hiểu rõ được sở trường và sở đoản để thích ứng với thế giới không ngừng biến đổi ngày hôm nay.
Dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 giờ 30 phút, buổi nói chuyện ấy đem lại cho sinh viên những giá trị rất to lớn. Thầy Hiếu đã thổi được “lửa tự tin” vào cá nhân mỗi bạn sinh viên cũng như các bạn sinh viên sắp bắt đầu bước vào một cuộc hành trình mới ở môi trường làm việc. Theo Thomas Friedman – tác giả của quyển sách bán chạy nhất của The New York Times – Thế Giới Phẳng (The World is Flat): “Toàn cầu hóa đã làm nảy sinh vấn đề mới cấp bách, đó là trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để thành công trong thế kỷ 21”. Thật vậy, nếu những nhà giáo dục hôm nay chỉ có thể cung cấp cho các học sinh, sinh viên những kiến thức của hôm nay, thì chỉ 10 năm hoặc 15 năm nữa đây, những sinh viên ấy sẽ là những nạn nhân của thời đại mới, khi họ phải mò mẵm dò đường bằng việc sử dụng những kiến thức đã rỉ sét.
Harry . H