Để có được một công việc tốt có rất nhiều con đường, rất nhiều cánh cửa. Tuy nhiên những con đường ấy không dễ đi chút nào. Muốn vào làm các tổ chức lớn, bạn thường phải trải qua ít nhất 3 vòng đánh giá: thứ nhất là xét duyệt CV, thi viết và phỏng vấn. Vậy cách thức nào khiến bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng từ vòng đầu tiên để mở ra những cơ hội rộng lớn tiếp theo?
Ngày 29/12/2014, Anh Trang Minh Hà – Giám đốc Đào Tạo đại diện đến từ Tập đoàn Thiên Minh (TMG) – doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và khách sạn lớn nhất Việt Nam đã có một buổi gặp mặt rất hữu ích chia sẻ với các bạn sinh viên Cao Đẳng Việt Mỹ và Broward College Việt Nam về việc Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp mong muốn gì khi đọc CV và Cover Letter của các bạn.
CV (curriculum vitae) thường được nhà tuyển dụng quan tâm đầu tiên khi nhận hồ sơ của người xin việc vì nó đóng vai trò cung cấp thông tin quan trọng cho người sử dụng lao động. Vì vậy cách trình bày và nội dung bên trong CV có ảnh hưởng rất lớn đến sự chú ý và quyết định của nhà tuyển dụng, qua đó thuyết phục nhà truyển dụng có những hành động thực tế, và người xin việc sẽ giành được suất tham gia phỏng vấn hay không phụ thuộc rất nhiều vào CV của họ.
Các bạn có thể tự do thiết kế, định dạng, trình bày nội dung trong CV theo cách riêng của mình mà không phải theo một khuôn mẫu chung nào cả. Nhưng để có một CV hoàn hảo gây ấn tượng và thuyết phục đối với nhà tuyển dụng, các bạn sinh viêncần chú ý đến đặc trưng ngành nghề bạn muốn tìm việc và những thông tin sau:
I. Nội dung
1. Thông tin cá nhân:
- Họ và tên: Nên viết hoa, in đậm. Tránh nêu biệt danh
- Giới tính
- Năm sinh
- Địa chỉ liên hệ/ Số điện thoại
- Email: Nêu địa chỉ emai của bạn, chú ý tên email nghiêm túc, chuyên nghiệp.
- Ảnh cá nhân chuyên nghiệp, lịch sự.
2. Công việc dự tuyển:
Đừng quên nêu rõ vị trí bạn muốn ứng tuyển. Một công ty trong cùng 1 khoảng thời gian có thể tuyển dụng rất nhiều vị trí. Vì vậy bạn cần cho họ biết bạn muốn ứng tuyển vị trí nào.
3. Học vấn:
- Bạn là sinh viên vừa tốt nghiệp không có nhiều kinh nghiệm nên đưa phần học vấn lên trước
- Nếu là người đã làm việc nhiều năm có thể đưa phần kinh nghiệm lên trước phần học vấn
- Nêu tên trường, khoa, chuyên ngành, bằng cấp (cử nhân, thạc sỹ,…), niên khoá (2004 – 2007, …)
- Nêu các chứng chỉ của khóa học ngắn hạn có liên quan (nếu có)
- Nêu những thành tích học tập, học bổng, khen thưởng (nếu có)
4. Kinh nghiệm làm việc:
- Bạn có thể sắp xếp theo nhiều cách:
- Các thành quả đạt được trong công việc
- Thêm kinh nghiệm bán thời gian hoặc tình nguyện
- Theo thứ tự từ công việc gần nhất
- Theo thứ tự kinh nghiệm liên quan quan trọng nhất
5. Các kỹ năng có liên quan đến công việc:
- Khả năng giải quyết vấn đề
- Khả năng giao tiếp – kỹ năng thuyết trình. Hãy liệt kê các dịp phát biểu trước công chúng, các bài thuyết trình ở hội thảo
- Khả năng trình bày
- Khả năng quản lý thời gian
- Khả năng quản lý dự án
Một số kỹ năng khác, những sở trường đặc biệt, ít người có, nêu ví dụ cụ thể.
6. Ngôn ngữ:
- Ngôn ngữ cần sử dụng súc tích, tránh dài dòng, bóng bẩy hay thái quá, ngoa ngôn
7. Sở thích, mối quan tâm:
- Chỉ ghi khi thực sự cần thiết hoặc có liên quan hay mang tính đặc trưng cho nghề nghiệp
8. Người tham khảo:
- Là người sẵn sàng chứng thực cho bạn về những khả năng tuyệt vời mà bạn có Người đó phải sẵn sàng tiếp đón đại diện công ty mà bạn ứng tuyển nếu công ty đó có nhu cầu thẩm tra về bạn. Người tham khảo có thể cũng chính là người viết Thư giới thiệu cho bạn
- Cần nêu rõ chức vụ, họ tên, nơi công tác, số điện thoại và địa chỉ liên lạc của người tham khảo
II. Cách trình bày
.1. Bố cục thống nhất
- Dễ nhìn, cân đối, bố cục rõ ràng.
- Bullet point căn chỉnh thẳng hàng
- Giãn cách dòng vừa phải và hợp lý theo nguyên tắc Gestalt. Tức là những thông tin giống nhau được đặt gần nhau. Ví dụ, bạn nên để nhiều khoảng trống hơn giữa thông tin liên lạc và thông tin về trình độ/ nền tảng giáo dục, còn các thông tin về trường đại học và các khóa học khác sẽ có khoảng trống nhỏ hơn.
- Không nên kẻ bảng hay gạch chân.
- Mỗi nhà tuyển dụng có một “mắt thẩm mỹ” khác nhau nên bạn chỉ nên dùng mẫu CV xin việc đơn giản, nhưng chuyên nghiệp.
2. Font chữ
- Font chữ thông dụng như Times New Roman, Arial, Tahoma.
- Cỡ chữ: 10-12.
- Tiêu đề các hạng mục thống nhất về định dạng, màu sách
3. Tiêu đề
- Tiêu đề CV nên là tên đầy đủ của bạn, bạn không cần phải viết chữ Curriculum Vitae hay Resume nữa. Tiêu đề nên viết in hoa, bôi đậm, căn giữa và để cỡ chữ 16.
4. Độ dài
- CV ngắn hay dài không phải là điều quan trọng mà quan trọng là nó có đủ thông tin để thuyết phục nhà tuyển dụng cho bạn vào vòng trong hay không. Tuy nhiên, với các bạn mới ra trường, CV không nên quá 3 trang.
5. Tùy chỉnh CV.
- Đối với mỗi vị trí ứng tuyển, bạn hãy chỉnh lại bản CV của mình bằng cách nhấn mạnh vào những kinh nghiệm, kỹ năng phù hợp nhất với vị trí đó. Các hoạt động khác chỉ cần nêu ngắn gọn.
Chuyên gia còn có lời khuyên các bạn sinh viên nên tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các hoạt động trong trường, đó chính là những kinh nghiệm có thể liệt kê một cách hữu ích trong CV những bạn trẻ mới ra trường còn ít kinh nghiệm.
Tập đoàn Thiên Minh (TMG) – doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch và khách sạn lớn nhất Việt Nam với các thương hiệu lớn như Buffalo Tours, PEAK Việt Nam, Chuỗi khách sạn & khu nghỉ dưỡng ÊMM, Chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Victoria và – hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến iVIVU.com.
Ký kết Đào tạo & Tuyển dụng giữa Tổ chức Giáo dục IAE và Tập đoàn Thiên Minh (TMG)