Nói trước công chúng là một kỹ năng vô cùng cần thiết mà không phải ai trong chúng ta đều thành thạo. Thậm chí có những người gặp rất nhiều khó khăn mỗi lần phải phát biểu trước đám đông. Để có thể trở thành một người hoạt ngôn và duyên dáng tất nhiên không phải là điều dễ dàng, nhưng có những bí quyết giúp bạn khởi đầu phần thuyết trình của mình một cách thật êm xuôi và thuận lợi đấy!
1/ Uống một ít nước 15 phút trước khi phát biểu
Việc bạn uống một ít nước trước khi phát biểu giúp thanh quản của bạn dễ chịu và giọng nói cũng trong và rõ hơn. Đây chắc chắn là điều mà bất kỳ người phát ngôn nào cũng cần làm trước phần trình bày của mình. Nếu được, một chút nước ấm có pha tí mật ong sẽ tuyệt hơn đấy!
2/ Hãy lưu tâm đến việc “thở”
Không đùa chút nào đâu, để có một phần trình bày thật tự tin và lưu loát, bạn cần phải lưu ý việc “hít, thở” của mình đấy! Hầu hết chúng ta khi rơi vào trạng thái hồi hộp đều thở gấp gáp, khiến nhịp tim tăng nhanh. Và như một hệ quả, tình trạng hồi hộp của bạn càng trở nên tồi tệ hơn. Bí quyết đơn giản để khắc phục chính là luôn “thở đều” bằng mọi giá. Chẳng ai muốn nghe một phần trình bày gấp gáp và chóng vánh đúng không nào? Thế nên không có lý do gì để vội vàng cả, hãy giữ nhịp thở đều để tập trung năng lượng và suy nghĩ.
3/ Luôn kết nối bằng mắt với khán giả
Dù nội dung bạn nói có xuất sắc đến thế nào đi chăng nữa nhưng thiếu đi sự kết nối với khán giả trong lúc trình bày, rất tiếc phải nói với bạn rằng bạn đã thất bại 50% rồi! Thực tế, bạn không cần phải nhìn vào mắt của từng người để tạo sự kết nối. Thay vào đó, hãy nhìn lướt qua khán giả, và chỉ dừng ở một vài chỗ không quá 3 giây. Khán giả sẽ cảm thấy sự kết nối bằng ánh mắt thông qua cử chỉ đơn giản này đấy!
4/ Thực hành tại đúng nơi sẽ trình bày
Đừng đợi cho đến khi bạn phải lên sân khấu hay bục phát biểu mới kiểm tra micro, đèn chiếu sáng, thiết bị điều khiển, máy vi tính, máy chiếu, bài thuyết trình. Nếu có ai đó phụ trách phần thiết bị thì hỏi xem nên làm thế nào khi có sự cố xảy ra. Đến khi thực tế gặp vấn đề thì cố gắng mỉm cười, bình tĩnh, cách bạn ứng phó của bạn rất quan trọng trong mắt khán giả.
5/ Đừng bao giờ tập trung vào đọc bài viết
Khán giả của bạn hoàn toàn có thể tự xem lướt qua nội dung. Nếu họ phải đọc bài thuyết trình của bạn thì bạn có thể đánh mất sự tập trung từ họ. Còn khi bạn tự đọc bài của mình thì điều này trở nên chắc chắn. Nên để bài nội dung được trình chiếu nhấn mạnh cho ý của bạn hơn là hoàn toàn trở thành tất cả nội dung cần nói.